M79 là loại đạn phóng lựu được dùng nhiều trong chiến tranh trước 75 cùng với các loại mìn. Khi ở xứ Thanh, chúng tôi chưa hề biết đến các loại vũ khí giết người này. Nhưng khi vô miền Đông đất đỏ sau ngày giải phóng, đầu đạn M79 vứt lăn lóc trên lô cao su, gần nhà chúng tôi ở, và các loại mìn còn sót lại sau cuộc chiến còn rất nhiều, nằm sâu trong đất và cả trên mặt đất. Di tàn vũ khí này đã cướp đi bao sinh mạng ngay nơi chúng tôi sống khi đã hòa bình. Viết những dòng này, chúng tôi muốn thắp nén nhang tưởng niệm sau mỗi năm cho những người quen và cả không quen biết đã chết vì các loại vũ khí này, và cũng là những hồi ức về vùng đất dữ dội mà chúng tôi, những người con ra đi từ NTTN đã sống, đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để có thể sống và có ngày hôm nay...Hồi đó, khi đến vùng đất này, bên cạnh những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, là dấu tích chiến tranh. Khắp nơi, những đầu đạn M79 vàng chóe vương vãi. Hồi đầu mới gặp ai cũng sợ, vì chỉ cần va chạm nhẹ nó sẽ phát nổ với sức công phá mạnh. Nhưng vì nó rất nhiều nên chúng tôi cũng theo các bạn ở đó có lúc lượm nó để thành đống cho người lớn dọn đi (phải rất nhẹ nhàng). Và sợ nhất có mấy anh cạnh nhà hễ say xỉn là mang M79 ra doạ cho nổ (xin hương hồn anh Thạch lượng thứ...). Nhưng dù cẩn thận, cũng không tránh khỏi chết chóc vì đầu đạn này gây ra. Ngày nào cũng nghe tin có người chết vì nổ đạn (Sợ lắm, đến nỗi tôi biết có bạn vì sợ quá thành ám ảnh và không muốn ai nhắc tới quá khứ là những ngày ở TN và ở BL, sau khi đã đi khỏi đây, vì như bạn nói: Những ngày khổ quá và đáng sợ quá! Cũng đúng và bạn đáng được cảm thông). Chưa hết cái chết hiện hữu trên mặt đất, thì đáng sợ hơn là cái chết rình rập trong lòng đất từ những quả mìn còn sót lại sau chiến tranh. Sống ở vùng nông nghiệp, không thể không trồng tỉa khi đến mùa, và hễ có nhát cuốc bổ xuống đất là có tiếng mìn nổ và có người chết...Hồi đó cả nướckhó khăn mọi mặt. Đám học trò chúng tôi cũng đã từng cùng nhau đi dò dẫm, tránh những chỗ nghi ngờ có mìn, để bỏ hạt giống và làm cỏ (cũng may mà đất rất tốt, khơi khơi trên mặt đất cây cối vẫn lên xanh), vì dù có cả một đội công binh chuyên đi rà mìn, và có rất nhiều người chết, cũng không thể lấy hết được những trái mìn còn sót lại, vì nhiều quá. Vậy mới thấy sự tàn bạo của chiến tranh, sau bao năm vẫn giết người dai dẳng, và so với cái cực khổ khi đi lao đông chặt nứa, hay trèo cây bẻ củi, hay lội sông bắt cá tôm mùa lụt...ở NTTN... thì không thấm gì so với sự nguy hiểm hàng ngày ở đây. Đã vậy, đám bạn NTTN và cả bạn bè ở đây vẫn nghịch như quỷ sứ. May thay, sự hồn nhiên của tuổi trẻ cũng át đi sự sợ hãi. Chúng tôi không từ bỏ thú vui leo cây hái vú sữa, me, mận chín, lượm sầu riêng chín rụng đầy gốc, trưa nắng rủ nhau ngồi ăn cạnh mấy trái M79 vàng chóe...Rồi lái xe, cả máy cày, máy kéo đi vô rừng cao su, bất chấp lời hăm he của người lớn "coi chừng cán lên mìn" (Ôi nghĩ lại giờ mới thấy rùng mình). Và chúng tôi cũng phải từng đưa đám tang con trai chú phó GĐ Cty còn nhỏ, chạy chơi đạp trúng mìn mà chết. Một chú phó GĐ Cty nữa cũng có con trai chỉ đào cái hố trồng cây trước nhà mà cũng đụng mìn chết khi đã 18 tuổi...Và còn bao cái chết vì cuộc sống nơi đất lạ (có cả em trai út của tôi...). Bao năm đã trôi qua mà nỗi đau chưa lắng xuống. Chỉ chứng kiến tàn dư chiến tranh và di chứng của nó để lại, mà chúng tôi ở đây vẫn nhiều người còn bị ám ảnh cũng đủ thấy sự tàn khốc của nó...Bây giờ, bạn bè nhớ về niềm vui những ngày này khi trở về quê nhà, còn chúng tôi hay nhắc lại những những gian nan, mất mát của người TN ở vùng đất này mà có lẽ ít nguời biết đến. Chắp bút thay bạn bè, từ hồi ức những cuộc gặp mặt của bạn bè TN, những ngày này, và mong người bạn của tôi hãy quên đi nỗi sợ hãi ngày xưa, tất cả đã qua rồi bạn ạ....
(Tặng Th Lan, Hồng, Th Hiền, M Hùng, Tr Thuỷ, anh Ng Th, Ng Lâm...)
Chúc AN và mẹ lên đường thượng lộ bình an nhé.