Tình
cờ xem trên mạng, mới thấy có nhiều clip về Ngọc Lặc, nay được gọi là
thành phố miền Tây TH, thành phố trong mây....mới thấy Ngọc Lặc, ngày
nay đã rất hiện đại và phát triển, xứng danh là thành Ngọc nơi miền Tây
TH...Chợt nhớ về ký ức xa xưa, một lần đặt chân lên Ngọc Lặc. Những ký
ức phủ mờ sương khói thời gian, BT7CL không còn nhớ rõ lắm, nhưng những
câu chuyện thì lại nhớ, ghi lại để sau này đọc. Sự kiện nào không chính
xác, mong các bạn đính chính nhé!
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi5sF3apVZIC-gnxhZw17ZdBhTUo4TnfKmKWo6vhkSSZntrgb2QEJJqky_LiokqVXmjPSp6AI2d0wIQOUu4Yj2iihxFfzbG6uiXaJglLY5aN33uJ-F6mCZCeqTPj8-Qh4-diPecZ42qiTM/s400/dhd30.gif)
Hồi ấy, thầy Ân đang làm chủ nhiệm
lớp. Thầy trẻ, rất trí thức với dáng người mảnh khảnh. Khỏi phải nói,
học trò lớp 4 A tự hào về thầy lắm. Thầy nhận trách nhiệm, dẫn các trò
đi thi học sinh giỏi ở Ngọc Lặc. Khi đó, chiến tranh ác liệt, Ty Giáo
dục sơ tán lên đây thì phải. Mẹ BT không cho đi thi, vì sợ bom dọc đường
(từ NTTN lên Ngọc Lặc hình như là 30 km, thầy phải chở trò đi bằng xe
đạp). Thế là, thầy phải đến tận nhà ở CS 3, thuyết phục mẹ cho BT đi
thi. Sau cùng, mẹ cũng đồng ý. Còn nhớ rõ, BT7CL và Na Sa đi với thầy.
Cả hai cô học trò nhỏ ít nói lắm, vì lạ lẫm và sợ (cả hai cô trò nhỏ đều
nhút nhát, có lẽ vì hoàn cảnh khá giống nhau, ba BT xa nhà, nhưng Na Sa
thì tội nghiệp lắm, mẹ NS mất khi NS còn nhỏ mà). Đi dọc đường, thầy
trò khát nước, thầy dẫn trò vào phía trong con đường, nơi có những ruộng
lúa xanh tốt, có mấy chị Mường đang làm cỏ lúa. Thầy hỏi xin nước uống
và, các chị cho thầy trò một bi đông nước. Uống rồi, hỏi giếng nước ở
đâu, các chị dẫn tới góc ruộng. Nơi này, có một cái giếng tự nhiên, nước
trong vắt đang đùn lên ùng ục. Các chị Mường kể, đây là mó nước đã có
từ lâu đời, nước rất trong mát. Thầy trò vốc nước rửa mặt, và uống nước
này thấy rất ngọt. Tiếc là, bây giờ không thể nhớ mó nước này nằm ở xã
nào, chỉ nhớ là rất gần Ngọc Lặc và sát đường đi (bạn nào nay đang ở
đây, có tìm lại được mó nước này, xin chụp hình và cho xin địa chỉ cụ
thể nhé). Dọc đường đi, trò nào cũng vừa sợ vừa thích, vì phong cảnh đẹp
quá! Màu xanh ngút ngàn, yên ả và hoang dại. Thầy bảo, các em nhớ quan
sát phong cảnh, để mà làm bài nhé! Đó cũng là bài học đầu tiên về học
ngoại cảnh thầy đã dạy. Đến Ngọc Lặc, trời đã gần tối. Thời chiến tranh,
mà việc tổ chức thi thật rộn ràng, không khí vui vẻ, có khá đông sĩ tử
nhỏ từ các nơi đổ về. Thế mới thấy, thời đó chiến tranh, mà việc chăm lo
cho lớp trẻ vẫn chu đáo. Buổi tối, thầy cô tổ chức đêm văn nghệ rất
vui. Cô học trò được xem là hát hay nhất, là Thúy Lan ở nông trường Lam
Sơn. Thầy cô gọi TL là "họa mi Lam Sơn" từ hồi đó. Cô giáo TL là bạn
thân của thầy Ân, nên mấy trò nhỏ có dịp làm quen với nhau, khi thầy cô
bận nói chuyện. (Không ngờ, sau này, khi BT7CL vào BLong, gặp lại TL,
các ba làm chung công ty, học chung lớp, TL trở thành bạn thân, vẫn hát
hay, học giỏi. Sau này, tình cờ, TL lại học chung trường Y khoa với
KDung, giờ TL là BSĩ CK2, ở SG). Tối đầu tiên, tất cả học trò và thầy cô
ngủ ở nơi thi. Ngày sau, có lẽ sợ bị máy bay oanh kích, các trò được
ban tổ chức phân tán ra nhà dân. Thầy dẫn các trò đến nhà một chị người
Mường, rồi thầy đi. Nhà chị là cái nhà sàn gỗ quý rất to, chị nói đã có
từ lâu đời. Cầu thang làm bằng một cây gỗ, được gọt đẽo thành các bậc
thang. Mấy cô học trò bé tí phải vừa bò vừa leo lên sàn nhà vì không
quen. Sàn nhà bằng gỗ. Giữa nhà là cái bếp lửa cháy âm ỉ cả ban ngày.
Lúc đó, đang tiết trời lạnh. Nhà chị có một con gái nhỏ và ông cụ già.
Ông cụ ngồi im lặng bên bếp lửa, khi đầu hơi sợ, nhưng sau thấy ông
hiền, không nói gì, nên cũng bớt sợ. Đêm xuống, tối đen, chị khều trong
bếp lửa ra cho mỗi trò một củ sắn nướng thơm phức. Ăn rồi, đi ngủ. Chị
cho ngủ ở cái giường sát sàn nhà, với cái chăn bông to. Đêm xa nhà, lạ
chỗ, ngủ không yên giấc. Thỉnh thoảng giật mình, vì con trâu cọ sừng
dưới cột nhà. Nhìn bếp lửa, thấy ông cụ ngồi dậy bỏ thêm củi...Sáng ra,
lại được chị cho ăn sắn nướng. Nhớ lời thầy dặn, phải ôn bài để hôm sau
thi tiếp. Mấy trò xuống sàn nhà để học bài. Gà vịt cục tác, cạp cạp inh
ỏi dưới sàn. Mấy con trâu đã được thả ra nương. Nhưng các trò nhỏ phát
hiện ra, chị Mường đang quay tơ tằm, bên cái nồi nước to, đang sôi
sùng sục để chị luộc kén tằm. Thế là, quên cả học, xúm xít lại xem chị
quay tơ. Ngạc nhiên quá! Cái kén tằm nhỏ vậy, mà chị kéo ra sợi tơ dài
mãi không đứt. NS và BT hỏi chị đủ thứ, chị giảng cho nghe về việc nuôi
tằm, kéo kén. Xin chị cho quay tơ thử. Sợi tơ quay xiên xẹo trên guồng
rồi đứt phựt, chị lại phải nối. Khó quá! Buổi trưa, chị cho ăn cơm với
nhộng tằm rang thì phải (hơi sợ)....Hai trò mơ mộng nói với nhau: "Ước
gì, ta có được một chiếc áo, dệt bằng ánh nắng mặt trời, ánh sáng mặt
trăng, kết những hạt tinh tú lung linh, và mềm như tơ tằm...Đây cũng là
bài tập viết của các trò đó. Bao năm rồi, tóc đã pha sương, mà làm sao
có được chiếc áo diệu huyền này!?. Rồi kỳ thi qua nhanh. Thầy trò lại
"xuống núi" Ngọc Lặc, về lại nông trường Thống Nhất. Chuyến đi ngắn
ngủi, nhưng đọng lại mãi trong ký ức non nớt của trò, là hình ảnh mó
nước thần, cái nhà sàn, cái guồng quay tơ của chị Mường, cùng bộ váy áo
thổ cẩm rất đẹp của chị. Nhớ mãi tính cách hiền hậu của các chị Mường.
Chặng đường về chìm trong màu xanh lục của rừng luồng, của cây cối, qua
những bản làng nhà sàn...Mấy chục năm rồi, chưa một lần về lại Ngọc Lặc,
nơi cuộc sống vẫn đầy huyền hoặc, nơi phong cảnh vẫn đẹp như tranh thủy mạc...Xa vời, những ký ức ngày xưa....
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi5sF3apVZIC-gnxhZw17ZdBhTUo4TnfKmKWo6vhkSSZntrgb2QEJJqky_LiokqVXmjPSp6AI2d0wIQOUu4Yj2iihxFfzbG6uiXaJglLY5aN33uJ-F6mCZCeqTPj8-Qh4-diPecZ42qiTM/s400/dhd30.gif)
Ngày đi thi đang còn ngây thơ, lại phải đi đường đất quanh co nên BT cảm nhận 50 Km, nhưng thực tế bây giờ chỉ 20 Km thôi, dịp này ra dự kỉ niệm 55 năm bớt chút thời gian gé thăm Đô thị Miền Tây nhé?
Chuyến về Miền Trung vừa rồi, khi qua cầu Hiền Lương QTL nhớ lại kỉ niệm 45 năm về trước. Vì lúc vào trời quá nóng, hơn nữa vào Đà Nẵng sợ muộn, định để lúc về mới dừng chân chụp hình lưu niệm nhưng khi về lại đi theo đường Hồ Chí Minh nên QTL vẫn chưa toại nguyện.
Quyết Thắng hẹn gặp dịp sau các bạn nhé!